Phóng toMột hình vẽ trong bộ truyện Chàng trai trong truyện tranh – Ảnh: L.Điền TT – Thị trường truyện tranh dành cho tuổi teen vừa xuất hiện bộ truyện có tên Chàng trai trong truyện tranh (hai tập) do NXB Thanh Hóa cấp phép ấn hành vào quý 3-2008, với nội dung phản giáo dục và rất nhiều tình tiết gợi dục.
Hiện tại các tụ điểm cho thuê truyện tranh đã cập nhật bộ truyện này và “fan hâm mộ truyện tranh đang tìm đọc rất nhiều” – chủ một cửa hàng cho thuê truyện ở quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết.
Nhân vật chính trong truyện là một nữ sinh 16 tuổi, có mẹ 34 tuổi. Nhân vật tự giới thiệu mình là “người siêu mê truyện tranh” và “rất thích các anh chàng đẹp trai”. Nhưng nội dung truyện không phát triển bình thường như vậy. Người mẹ 34 tuổi được giới thiệu “đã chín lần ly hôn”. Và vì thấy con gái 16 tuổi chưa có bạn trai nên bà mẹ đã cho một số nam sinh vào thuê phòng trọ trong nhà mình. Luki – nhân vật nữ chính – quá đam mê một chàng trai trong truyện tranh là thiếu gia Roo nên Luki luôn bị hoang tưởng, luôn mong muốn một ngày nào đó có một thiếu gia Roo ngoài đời thật đến yêu mình. Với nỗ lực của bà mẹ tích cực “tìm bạn trai cho con”, Luki gặp được Sudu. Câu chuyện diễn ra xoay quanh những lần gặp nhau giữa Luki và Sudu, với các hành động yêu đương, quan hệ… y hệt người lớn.
Phóng to
Một vài tập truyện tranh “phản giáo gợi dục” – Ảnh: L.Điền
Không kể những nét vẽ thô vụng cố tình phô bày thân thể, cách dùng câu chữ trong hai tập truyện này mang tính gợi dục với mật độ đậm đặc gây phản cảm! Ngoài ra, các nhân vật luôn nhận mình là người háo sắc, đắm mình trong các mối quan hệ yêu đương, ghen tuông; sở thích bộc lộ chỉ là được yêu, được ở gần người yêu; làm các hành vi vụng trộm ngay trong lớp học, lơ đãng khi thầy giảng bài…
Đáng ngại hơn, bộ sách này được xem là một tựa trong “tủ sách tuổi teen”, giới thiệu cho các em cả ở độ thiếu nhi và tuổi mới lớn tìm đọc một cách bình thường.
“Thị trường truyện tranh hiện đang phát triển không kiểm soát được”, đó là ý kiến chung của một số cán bộ các NXB có chức năng thực hiện truyện tranh. Một cán bộ ngành văn hóa – có quan tâm đến tình hình truyện tranh – nhận định: “Hiện nay, một số tư nhân tự sản xuất các đầu truyện tranh có tính gợi dục, kích thích các em thiếu nhi tìm đọc, nhưng lại đặt tên nhân vật theo kiểu Nhật Bản, Hàn Quốc khiến mọi người tưởng rằng đó là các bộ truyện dịch”.
Điều đáng lưu ý, cả hai tập sách Chàng trai trong truyện tranh của NXB Thanh Hóa đều không ghi tác giả, chỉ ghi trong trang lưu chiểu “Thực hiện: Lý Liên” . Đây là một cách lách luật, vì cả Luật xuất bản năm 2004 và Luật xuất bản sửa đổi đều yêu cầu phải ghi tên tác giả trên xuất bản phẩm.
Bên cạnh bộ truyện Chàng trai trong truyện tranh, hiện nay giới trẻ hâm mộ truyện tranh đang tìm đọc các bộ truyện tuổi teen khác như: Crazy kiss (NXB Thanh Hóa), Cô gái bí ẩn (NXB Văn Hóa Thông Tin), Tình nhân (NXB Đà Nẵng)… Nhân vật trong các truyện thường được xây dựng ở độ tuổi trên dưới 16, bối cảnh truyện là trường học, gia đình, các cuộc đi chơi… và đều có các yếu tố gây thu hút bạn đọc tuổi mới lớn như cách hôn đắm đuối (Crazy kiss), những mối tình và ghen tuông giữa bạn bè cùng trường, cùng lớp…
Trong các sách này, những rung động đầu đời trước một đối tượng khác phái được khai thác dưới những mối quan hệ hời hợt, cách quan hệ nam nữ cũng rất “tự nhiên chủ nghĩa”, đặc biệt bối cảnh nhà trường và gia đình chỉ là cái nền để những chuyện tình, những mối quan hệ vụng trộm diễn ra; chứ gia đình và học đường không hiện diện trong đời sống các nhân vật truyện tranh như một nơi ươm mầm cho các giá trị đẹp.
___________________
Từ hàng ghế khán giả
Không thể xem thường
Tình cờ đọc được quyển truyện Chàng trai trong truyện tranh của cô em họ; lật từng trang, từng trang một, tôi đi từ bất ngờ cho đến kinh hoàng. Đọc tên truyện, tôi hình dung truyện dành cho tuổi mới lớn với nội dung là những mối tình thơ mộng, vụng dại; những hành động ngớ ngẩn cười ra nước mắt của tuổi mới lớn. Nhưng tất cả những gì hình dung hoàn toàn sai, tôi chỉ nhìn thấy những hình ảnh trần trụi, những lời nói mơn trớn đến rợn người! Cùng với quyển này còn nhiều quyển khác như Ngón tay nóng bỏng, Đắm chìm trong tình yêu…với những hình ảnh và nội dung tương tự.
Trên báo Tuổi Trẻ cách đây không lâu có phản ánh việc nhiều tập truyện ma với nội dung và câu chữ dễ dãi, cẩu thả, gieo rắc sự nhảm nhí cùng những hình ảnh rùng rợn, máu me… vẫn được bày biện hiên ngang trong các nhà sách. Nếu đó là vấn đề cần quan tâm thì tôi nghĩ đây là vấn đề cần được quan tâm hơn gấp bội. Những hình ảnh đen đã và đang thâm nhập ngày càng nghiêm trọng vào thế giới giải trí của tuổi teen. Các nhà xuất bản hãy để truyện tranh là một thứ giải trí trong sáng và bổ ích cho lứa tuổi hồn nhiên!
NGUYỄN NHẬT BẰNG (Trường CĐ PTTH 2)