Sáng nay 4-11, Lễ đặt đá xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (HVPGVN TP.HCM) mang tầm vóc quốc tế đã diễn ra trang nghiêm tại khu đất 23,8 ha thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Thiếu tướng Lê Đình Luyện tặng hoa chúc mừng
Đến tham dự còn có các ông bà: Bùi Quốc Liêm, Phó Tổng cục An ninh quốc gia; Thiếu tướng Lê Đình Luyện, Cục trưởng Cục An ninh Xã hội; Vũ Phạm Việt Thắng, Thanh tra Chính Phủ; Bùi Thanh Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ; Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính Phủ; Trần Minh Nga, Vụ phó Vụ Tôn giáo Chính Phủ; Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP; Trần Ngọc Bảo, Phó ban Dân vận TP; Lê Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó ban Tôn giáo-Dân tộc TP; Trần Trung Tính, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP…; đại diện UBND huyện Bình Chánh cùng đại diện các Sở, ban, ngành các cấp; các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến tham dự.

HVPGVN TP.HCM có nguồn gốc từ Đại học Vạn Hạnh (1964-1975) và tiền thân là Trường Cao cấp Phật học VN (1983-1997), HVPGVN TP.HCM được UBND TP.HCM cấp giấy phép hoạt động theo quyết định số 160/QĐ/UB ngày 17-10-1983. Mục đích của Học viện là đào tạo thế hệ Tăng Ni với đức trí song toàn, kế thừa và phát triển đạo Phật, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đạo pháp và dân tộc. Suốt gần 25 năm hoạt động, dưới sự điều hành và tận tụy của cố Hòa thượng Viện trưởng sáng lập Thích Minh Châu, Học viện luôn phát triển và thích nghi với với những yêu cầu của thời đại. Kế thừa những di sản mà chư vị tiền bối dày công gầy dựng, Hội đồng điều hành Học viện tiếp tục sự nghiệp giáo dục Tăng tài mà Giáo hội giao phó.
Cho đến nay, Học viện đã đào tạo hơn 1.500 TN sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học, trong đó có 476 Tăng Ni đi du học tại các nước trên thế giới với cấp học thạc sĩ, tiến sĩ thuộc nhiều ngành học khác nhau. Hiện nay, Học viện được Chính phủ cấp phép đào tạo 150 nghiên cứu sinh cấp thạc sĩ. Trong 5 năm qua, Học viện đã chính thức liên kết đào tạo với một số trường Đại học danh tiếng ở nước ngoài: Đại học Nalanda, Trung tâm Phật học K.J.Somaiya (Ấn Độ), Mahachulalongkorn (Thái Lan), Đại học Sư phạm Phúc Kiến, Đại học Sư phạm Hoa Trung, Đại học Liên Hợp Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Phật Quang Sơn (lãnh thổ Đài Loan)…
Buổi lễ đặt đá khởi công xây dựng cơ sở mới HVPGVN TP.HCM đã diễn ra trang nghiêm thanh tịnh với sự hướng dẫn của chư tôn đức giáo phẩm nhất tâm cầu nguyện, dâng hương bạch Phật, lễ sái tịnh… cầu nguyện công trình xây dựng cơ sở mới HVPGVN TP.HCM được hoàn thành như ý nguyện.
Chư tôn đức thực hiện Lễ sái tịnh
Cơ sở mới HVPGVN TP.HCM được xây dựng trong tổng thể của dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam trên khu đất 23,8 ha thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Toàn bộ khu đất gần 24 ha chia thành hai khu chính: Học viện Phật giáo gồm 160.299,1m2 chiếm 67,4% và Khu trung tâm Văn hóa Phật giáo gồm 59.652,6 m2 chiếm 25,1%; 18% đất còn lại là đất giao thông.
Công trình gồm các hạng mục chính: Chánh điện, khu đại giảng đường và hội thảo chứa khoảng 3.000 người; khu lớp học, khu hành chánh, thư viện, ký túc xá cho khoảng 2.000 Tăng Ni sinh nội trú; nhà khách quốc tế 300 phòng, khu bảo tàng Phật giáo, khu bảo tháp Xá Lợi cao 80 m.
Các giai đoạn xây dựng: San lấp mặt bằng (hiện nay 8ha đã được san lấp để xây dựng),
Khu học viện Phật giáo gồm các hạng mục: Chánh điện, khu lớp học, ký túc xá, nhà bếp, phòng giảng viên, khu hành chánh (dự kiến các hạng mục này dự khoản dao động từ 780 đến 800 tỷ đồng, hoàn tất từ 2 đến 3 năm tùy vào sự phát tâm ủng hộ quý mạnh thường quân, Phật tử);
Khu Trung tâm Phật giáo và khu công viên, quảng trường… công trình sẽ xúc tiến song song khi thực hiện 2 phần đầu nhằm xanh hóa môi trường Học viện.
Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng của công trình lên đến 2.000 tỷ đồng.

Tại lễ khởi công, HT.Thích Trí Quảng đã trao Bằng Tuyên dương công đức, tặng hoa cho chư tôn đức đại diện các BTS THPG tỉnh thành, chư tôn đức Tăng Ni, các doanh nghiệp, các nhà mạnh thường quân, nhà hảo tâm, Phật tử… đã hoan hỷ đóng góp xây dựng Học viện với tổng số tiền hơn 81,9 tỷ đồng và hơn 600 USD.


Ban đạo từ tại buổi lễ, HT.Thích Đức Nghiệp cũng đã kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Phật tử, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà mạnh thường quân hoan hỷ, tích cực đóng góp để công trình xây dựng trường Đại học Phật giáo mang tầm vóc quốc tế này sớm hoàn thành. Đây là cơ sở giáo dục Phật giáo mà chư tôn đức cũng như Tăng Ni, Phật tử hằng mong đợi, Học viện hoàn thành sẽ mang tầm khu vực và quốc tế phát huy được thế mạnh đào tạo nhân tài Phật giáo trong tương lai.