Trong thời gian mang thai, hầu hết các thuốc dùng cho mẹ đều truyền qua rau sang thai bắt đầu từ tuần thứ 5 của bào thai. Hậu quả của những thuốc dùng cho người mẹ trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây dị tật do rối loạn các gien của bào thai. Khi thai đã phát triển hoàn thiện thì thuốc sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thai. Ngoài ra, có nhiều thuốc mẹ dùng sẽ qua sữa, con bú sữa cũng có ảnh hưởng tuy hậu quả ít nghiêm trọng hơn khi mang thai. Do vậy, khi mang thai và cho con bú nếu phải dùng thuốc thì cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
Chỉ dùng thuốc khi đã có chỉ định thật cần thiết, tuy vậy cũng vẫn phải cân nhắc lợi hại về những nguy cơ cho con. Nếu có những phương pháp điều trị không phải dùng thuốc thì tốt hơn.
Nếu phải dùng thì cần lựa chọn từng loại thuốc cho từng thời kỳ mang thai. Dùng bất kỳ loại thuốc nào để chữa bệnh trong lúc có thai và cho con bú nên dùng liều lượng tối thiểu và thuốc có hiệu quả ngắn.
Những hormon phải dùng cho phụ nữ trong tuổi sinh sản nhất là ở lứa tuổi vị thành niên cần thận trọng, vì có thể sẽ là nguyên nhân gây tác hại cho hoạt động tình dục và trước khi có thai.
Khi có thai, nếu uống rượu nặng cũng như hút thuốc lá sẽ gây ra nhiều tác hại cho thai như dị tật bẩm sinh, thai chậm phát triển, tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non, thai chết lưu và tỷ lệ chết sơ sinh cao.
Một số thuốc kháng sinh có thể dùng và không được dùng trong khi có thai và cho con bú. Sau đây xin đơn cử một số tên thuốc quen dùng:
– Penicilin: qua rau thai và qua sữa mẹ; là thuốc dùng tương đối an toàn hơn các kháng sinh khác, hầu như không gây tác hại cho thai, tuy nhiên cũng chỉ dùng khi cần thiết.
– Erythromycin: có thể dùng thay cho penicilin khi có dị ứng penicilin.
– Aminoglycoside như: amikacin, gentamicin, kanamycin, neomycin, netilmicin, streptomycin, tobramycin… không nên dùng khi có thai, trừ khi rất cần thiết, thuốc qua rau vào huyết thanh thai nhi từ 15-50% mức độ của huyết thanh mẹ. Tuy nhiên, streptomycin và metilmicin chỉ có lượng nhỏ tiết qua sữa. Các loại thuốc trên chỉ dùng khi không có loại thuốc nào thay thế.
– Cloramphenicol: thuốc qua rau thai và tiết qua sữa bằng 1/2 lượng thuốc ở huyết thanh mẹ. Là thuốc chống chỉ định dùng vì có nguy cơ gây ra suy tủy đối với thai và thể gây ra hội chứng xanh xám cho trẻ khi đẻ ra sau này dễ bị tím tái, xanh xao, tiêu chảy, có vấn đề về hô hấp và dễ bị trụy mạch.
– Sulfanamid: thuốc qua rau thai và qua sữa, không nên dùng nhất là kỳ cuối do nguy cơ gây ra tan huyết và vàng da nhân xám ở sơ sinh.
– Nitrofurantonin không nên dùng trong những tháng cuối của thai kỳ vì dễ gây ra huyết tán ở trẻ sơ sinh, và có liên quan ảnh hưởng tới hệ thống chuyển hóa.
– Tetracyclin: chống chỉ định khi có thai, khi cho con bú và trẻ em dưới 8 tuổi. Trong lúc có thai thuốc dễ gây độc cho gan của mẹ và thai nhi, với trẻ nhỏ tetracyclin bị ứ đọng ở trong xương làm xương phát triển kém và làm cho men răng bị vàng, kém phát triển và dễ bị sâu răng.
– Các thuốc kháng sinh như amoxicillin, claforan, rifamycin, bactrim có thể dùng được, tuy dùng phải cân nhắc.
Các thuốc corticoid: Không nên dùng trong khi có thai và không có loại thuốc nào thay thế. Thuốc đều qua rau thai và có thể gây suy tuyến thượng thận thai nhi, hở hàm ếch, trẻ nhỏ hơn so với tuổi. Vì vậy nếu cần thiết phải dùng thì cân nhắc lợi – hại và theo nguyên tắc sau:
Tương đối an toàn nếu dùng ngắn hạn và phải chấp hành nghiêm chỉnh những căn dặn của thầy thuốc.
Nếu phải dùng thuốc kéo dài với liều lượng > 20mg/ngày thì sẽ có những phản ứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu bệnh nhân có những bệnh như loét dạ dày, tiểu đường, lao thì phải dùng các thuốc khác để thay thế vì nếu dùng các thuốc corticoid sẽ làm bệnh phát triển nặng thêm.
Nếu ngay từ đầu đánh giá trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng thì phải điều trị kháng sinh thích hợp trước hoặc dùng kháng sinh cùng với thuốc corticoid, nếu dùng đơn thuần corticoid thuốc sẽ làm che lấp các triệu chứng nhiễm khuẩn, dù có biểu hiện nhiễm khuẩn nhẹ, khi ngừng thuốc sẽ trở thành nhiễm khuẩn nghiêm trọng.
Nếu bị nhiễm khuẩn kéo dài thì nên làm kháng sinh đồ để sử dụng loại kháng sinh thích hợp, đồng thời hạ thấp liều corticoid. Có nghĩa không nên dùng corticoid trong khi có thai trừ trường hợp bắt buộc phải dùng và không có loại thuốc nào thay thế.
Các thuốc chống ung thư: Sẽ gây sảy thai, dị tật bẩm sinh (trong 3 tháng đầu) ảnh hưởng tới tâm thần, tới xương gây dị dạng xương sọ, não úng thủy và các tạng của thai nhi. Do đó người ta khuyên khi dùng thuốc điều trị chống ung thư hoặc di căn ung thư thì không nên có thai và nếu đã có thai thì nên bỏ thai đi.
Các thuốc điều trị bệnh tiểu đường như insulin đều qua rau thai, tuy không gây dị dạng cho thai nhưng gây tỷ lệ thai chết cao hoặc tăng các nguy cơ cho thai, ở trẻ sơ sinh có thể bị hạ đường huyết, hạ tiểu cầu.
Các thuốc tẩy giun sán: nói chung phần lớn thuốc diệt giun sán như mebendazol, piperazin, thiabendazol… người ta khuyên không nên dùng. Nên dùng trước khi có thai, nếu cần thiết lắm thì dùng khi thai đã trên 5 tháng (theo chỉ định của thầy thuốc).
Các thuốc nội tiết: Androgen, estrogen, progestin dùng trong 3 tháng đầu và cả sau 3 tháng có thể làm tăng bilirubin, ung thư âm đạo, hở hàm ếch, teo hoặc ung thư tiền liệt tuyến, tinh hoàn, bàng quang…, cũng có thể gây nam tính hóa bộ phận sinh dục nữ, hoặc ái nam ái nữ. Vì vậy không nên lạm dụng các thuốc nội tiết để sử dụng trong lúc có thai, nếu cần điều trị sảy thai do thiếu nội tiết thì phải được xét nghiệm và phải được các thầy thuốc phụ khoa và nội tiết chỉ định.
Thuốc lợi tiểu: Phần lớn đều qua rau thai vì vậy nếu sản phụ bị bệnh tim hoặc bị thiểu niệu do tiền sản giật buộc phải dùng, thì nên dùng loại hypothiazid hoặc lasix cho các trường hợp phù, tăng huyết áp, suy thận cấp… Tuyệt đối không dùng loại thiazid (benzothiazid, chlorthiazid…) vì thường gây ra nhiễm toan cho cả mẹ và thai, hạ tiểu cầu, xuất huyết, hạ canxi, natri, co giật, suy hô hấp, huyết tán và làm chết thai nhi.
Thuốc giảm đau: Các thuốc như morphin và các thuốc tổng hợp có morphin (dolophin, dolargan, codein, sunfat…) đều ảnh hưởng xấu tới thai nhi như chảy máu, nhịp tim chậm, thai chết trong bụng; với sơ sinh gây hạ thân nhiệt, ngừng thở. Nếu dùng trong lúc chuyển dạ thì sẽ gây cho cuộc chuyển dạ kéo dài vì ức chế hệ thống thần kinh trung ương, làm giảm cơn co tử cung và vì thuốc qua rau thai nên là nguyên nhân suy hô hấp sơ sinh. Trừ các thuốc gây tê tại chỗ như novocain, xilocain hoặc atropin uống hoặc tiêm có thể dùng với mục đích giảm đau trong cắt, khâu tầng sinh môn.
Thuốc an thần: Nói chung các thuốc an thần đều ảnh hưởng xấu tới thai nhi và sơ sinh như thuốc thalidomid dùng khi mang thai gây dị dạng cụt chi ở thai. Còn các thuốc an thần khác gây suy thai, suy hô hấp sơ sinh và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần. Vì vậy chỉ nên dùng khi thật cần thiết và chỉ nên dùng loại diazepam hoặc sedusen.
Dùng tia xạ, tia X làm thai chậm phát triển tâm thần, thiểu sọ và nhiều hậu quả khác… Vì vậy không nên chiếu, chụp điện quang trong lúc mang thai trừ trường hợp rất cần thiết.
Nghiện rượu và nghiện thuốc lá: Nếu nghiện rượu nặng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi như thai nhẹ cân, dị dạng ở mắt, ở tim, não nhỏ, thai chết lưu…
Nếu nghiện thuốc lá hoặc sống ở môi trường có người hút cũng ảnh hưởng đến thai, thai chậm phát triển, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu sinh cao vì các chất độc của thuốc đều qua sữa.
Các thuốc vitamin không nên dùng khi mang thai: Vitamin A và D có thể gây dị dạng bẩm sinh. Vitamin B1 uống liên tục sẽ gây co bóp tử cung.
Các thuốc cần dùng trong khi có thai: Phần lớn phụ nữ mang thai đều bị thiếu máu ở 3 tháng cuối mà chủ yếu là thiếu sắt và thiếu axit folic. Vì vậy nên uống viên sắt và axit folic ngay từ khi có thai cho tới hết thời kỳ hậu sản. Nếu không thực hiện được thì ít nhất uống vào 3 tháng cuối thai kỳ để đề phòng băng huyết ngay sau đẻ. Cần tiêm vacxin phòng uốn ván khi có thai, tiêm 2 mũi, mũi hai cách mũi thứ nhất 1 tháng và trước khi đẻ ít nhất nửa tháng.
Tóm lại, dùng thuốc trong khi có thai và cho con bú đòi hỏi phải thật thận trọng vì tác dụng của thuốc sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới thai nhi và trẻ đang bú mẹ, trừ viên sắt, axit folic và vacxin phòng uốn ván lại rất cần được dùng vì có lợi ích cho cả thai và mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Kim DungTheo Sức khoẻ đời sống