Chị em hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi đem chuyện nhà lên mạng xã hội để tìm cách “sửa chữa” – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chuyện nhà là chuyện đôi khi chỉ có chính mình tự giải quyết, tự lắng nghe chính mình để có những quyết định sáng suốt. Theo các chuyên gia tâm lý, lắng chính là phương pháp giải quyết sâu sắc nhất.
Nhờ cộng đồng mạng “sửa chữa hôn nhân”
“Em và chồng đã cưới nhau được hơn 10 năm và có hai con. Trong 10 năm hôn nhân, em đã cam chịu khi phải sống với gia đình chồng…” – chị N.T.D. mở đầu bài chia sẻ của mình lên một nhóm xã hội. Chị mong nhận được góp ý của mọi người để “sửa chữa” cuộc sống hôn nhân của mình.
Sau câu mở đầu này, chị N.T.D. liệt kê hàng loạt tật xấu của chồng như nhậu nhẹt bê tha, nghe lời mẹ chồng, không biết bênh vợ con, kiếm tiền không giỏi…
Trong khi chia sẻ về bản thân mình, chị T.D. kể đã phải chịu nhiều thiệt thòi khi 10 năm qua phải sống chung với mẹ chồng.
“Mẹ chồng em mặc dù không quá khó tính, khắt khe nhưng lại suốt ngày chỉ biết than vãn. Đau một thì bà than 10, khi nào cũng kêu mẹ đau yếu, bệnh tật nhưng thật sự bà còn ăn khỏe hơn cả mình. Việc trong nhà chẳng khi nào bà đụng tay tới, nhiều khi thấy cháu quấy khóc bà cũng đóng cửa phòng lại ngủ hoặc cầm điện thoại. Chưa kể những xích mích lớn nhỏ nữa”, chị T.D. chia sẻ trên mạng xã hội.
Chỉ sau một ngày, bài viết của chị nhận về hàng trăm bình luận trái chiều. Đặc biệt, bài viết thu hút rất nhiều chị em khác vào kể là “rừng” chuyện mẹ chồng nàng dâu với những xích mích khi sống chung. Nhiều người “xúi” chị ly hôn, chuyển ra ở riêng để không phụ thuộc vào nhà chồng…
Oái oăm thay, chính chồng chị T.D. cũng là thành viên “nằm vùng” trong group này nên hai hôm sau anh tình cờ thấy bài đăng này. Dù chị đã ẩn tên người đăng nhưng đọc nội dung anh chồng vẫn nhận ra vợ mình và quyết định “phản pháo”.
Anh T.Cường cho biết vợ chồng cưới nhau xong thì chỉ một mình anh đi làm nên chịu áp lực kinh tế rất lớn. 10 năm nay, vợ không hề có ý định tìm việc, nhà lại chỉ còn mỗi mẹ, hai vợ chồng lại không có đủ điều kiện mua nhà riêng nên quyết định ở với mẹ anh để vừa tiết kiệm chi phí vừa có thể chăm sóc mẹ già.
Anh Cường thừa nhận việc xảy ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khi sống chung là điều không tránh khỏi, nhưng cũng tố vợ lười biếng. “Dù hai con đều đã đi học cả ngày nhưng thay vì đi làm phụ chồng thì chị chỉ loanh quanh ở nhà. “Nhàn cư vi bất thiện”, sang hàng xóm “buôn dưa lê” và nói xấu mẹ chồng khiến cho tình cảm, mâu thuẫn giữa hai người ngày càng căng thẳng. Vậy thì nên “xử” thế nào?”, anh Cường bình luận lại.
Sự xuất hiện bất ngờ của người chồng khiến cho câu chuyện của chị T.D. trở nên căng thẳng, thêm nhiều ý kiến của mọi người. Vì quá áp lực nên chị T.D. sau đó vội vàng gỡ bài.
Tương tự, trong group trên Facebook một nhóm kiểu “sửa chữa hôn nhân” với hơn 140.000 thành viên với nhiều bài đăng, chia sẻ về tình trạng hôn nhân của mình. Quá nhiều chị em chia sẻ chuyện chồng ngoại tình, hay chuyện đi “săn” tiểu tam, thậm chí cả chuyện “chăn gối”… được mọi người bàn luận rất sôi nổi.
Trong một bài đăng ẩn danh, chị Thùy Nhung chia sẻ chồng rất thương vợ, chăm con, không rượu chè cờ bạc nhưng thời gian gần đây chồng đi làm ăn xa, 1-2 tháng mới về một lần. Đi làm xa vợ xa con, người chồng đã lên các trang hẹn hò và có bạn gái bên ngoài.
Dù cực kỳ đau khổ nhưng chị Thùy Nhung vẫn quyết định tha thứ để cùng xây dựng lại gia đình và chăm sóc con. Tuy nhiên từ lần tha thứ đầu tiên, vì quá đa nghi nên chị đã thuê người khác thử chồng. Và không may chồng chị đã “cắn câu”, dùng nick ảo để hẹn hò với người được vợ thuê…
Câu chuyện sau khi được đăng tải cũng thu về hàng trăm chia sẻ, hầu hết mọi người đều khuyên chị ly hôn, gom tài sản riêng để lo cho con.
Mạng xã hội thu hút chị em phụ nữ ngày nay – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đừng biến chuyện của mình thành chuyện của đám đông
Mong muốn tìm được giải pháp cho những “mớ bong bòng” trong cuộc sống hôn nhân của mình, chị em thường tìm lên hội nhóm để mong có được lối ra. Nhưng đa số lại khủng hoảng, rối bời hơn. Các chuyên gia tâm lý đã nhìn nhận vấn đề này như đang “vạch áo cho người xem lưng”.
Và đó cũng là chia sẻ thẳng thắn của chuyên gia tâm lý học Bùi Hồng Quân (TP.HCM). “Trước tiên, nếu đặt mình vào vai của người đi chia sẻ thì chúng ta có thể cảm thông được.
Tại sao mà họ chia sẻ? Chắc chắn họ đang gặp phải những khó khăn, bối rối mà chưa tìm ra cách giải quyết, và họ mong có được những nhìn nhận của người khác. Và nhu cầu chia sẻ là nhu cầu đáng được trân trọng vì đây là nhu cầu chính đáng, bất kỳ ai cũng có”, ông Quân nói.
Tuy nhiên theo ông Quân, chia sẻ ở đâu và tiếp nhận ý kiến của người khác như thế nào là điều quan trọng hơn. Vì thực tế mỗi một câu chuyện, một tình huống khác nhau sẽ được người chia sẻ viết dưới những góc nhìn khác nhau và rất chủ quan.
Chuyên gia này phân tích: “Những gì chúng ta chia sẻ sẽ là những cái chúng ta muốn nói và nhìn vấn đề theo cách của mình, nhưng chưa chắc rằng nó đã là sự thật khách quan. Người tiếp nhận câu chuyện sẽ hiểu theo những thông tin có được.
Có thể những người tham gia chia sẻ ý kiến sẽ có kinh nghiệm hoặc muốn giúp đỡ người khác. Nhưng mỗi câu chuyện, một vấn đề nếu được đưa ra theo tính chủ quan thì kinh nghiệm cá nhân của người này không thể nào đúng với những người khác hoàn toàn.
Tôi thấy có rất nhiều trường hợp chia sẻ vô tình khiến cho câu chuyện vốn là “chuyện nhà” bị đẩy ra xa khi đưa ra thiên hạ bàn luận”.