Switch Outemu cũng là một trong các lựa chọn tốt và phổ biến khi muốn thay thế Cherry MX switch truyền thống. Là một thương hiệu switch cloned Cherry (cùng với Kailh và Gateron), Outemu thường được xem là không bền bằng Cherry và vài dòng trong thương hiệu lúc gõ nghe cảm giác hơi lạch cạch một chút, tuy nhiên giá thành lại rất phải chăng. Mời bạn cùng đọc qua bài chia sẻ này để biết: thực chất Switch Outemu có tốt không, Switch Outemu có bao nhiêu loại?.
Switch Outemu là gì?
Thương hiệu switch cơ học Outemu là một dòng công tắc nhái Cherry được sản xuất tại Trung Quốc.
Cherry như chúng ta đã biết, là một công ty của Đức ban đầu nắm giữ bằng sáng chế cho công tắc bàn phím cơ học, nhưng khi bằng sáng chế hết hạn, đã có một loạt các thương hiệu copy theo nguyên mẫu Cherry MX nổi tiếng như Outemu, Gateron và Kailh.
Từ khi ra mắt tới nay, trải qua quá trình học hỏi nguyên mẫu khá chi tiết, các switch cloned-Cherry hầu như đã có được chỗ đứng nhất định trên thị trường cạnh tranh. Hơn nữa các dòng switch từ 3 thương hiệu này đều có giá tốt hơn từ một chút tới khá nhiều so với Cherry MX Switch. Vì chúng được sản xuất với quy trình rẻ hơn và không tuân thù các tiêu chuẩn kiểm tra chặt chẽ như Cherry.
Cho tới nay, Outemu là một trong các thương hiệu switch cơ học thân thiện với ngân sách nhất và có độ thuần túy, tối giản chủng loại giúp dễ lựa chọn. Outemu hiện có 4 loại switch chính trong đội hình căn bản là Outemu Blue, Red, Brown và Black.
Switch Outemu có tốt không?
Hiện nay chúng ta thường có thể tìm thấy switch Outemu ở các dòng bàn phím cơ bình dân hoặc các mẫu bàn phím custom. Outemu là switch có lẽ là rẻ nhất trong các loại switch cơ phổ biến hiện nay. nhưng đừng nghĩ nó rẻ mà không chất lượng nhé. Switch Outemu thực chất có ngoại hình hơi bị ổn, cảm giác gõ khá ok và mức giá thì quá bình dân.
Nhược điểm lớn nhất hiện tại của các switch Outemu chính là cảm giác rung lắc và lạch cạch khi bấm phím. Nhiều người dùng cho rằng nguyên nhân chính là vì các bộ phận không được làm chính xác từ ly từng góc cạnh giống như Cherry MX chuẩn nên trong quá trình vận hành, sẽ có nhiều khoảng không gian trống đâu đó trong kết cấu dẫn đến âm thanh lạch cạch và cảm giác rung rung nhẹ khi bấm phím. Thấy rõ nhất là với các bạn có thói quen bấm phím mạnh tay hoặc spam phím liên tục.
Switch Outemu cũng không bền bằng Cherry MX switch (lên tới 100 triệu lần bấm) vì chỉ có khoảng 30-50 triệu lần bấm. Tuy nhiên nếu so với mức giá, cách thức vận hành, hình dáng, cảm giác gõ các thứ thì Outemu vẫn là một trong các lựa chọn hảo hảo về mức giá và với nhu cầu dùng không quá cầu toàn.
Khi so với nội bộ các switch cloned-Cherry khác, Outemu cũng được nhiều người dùng đánh giá là cho chất lượng gõ kém hơn một chút so với Kailh và Gateron, nhưng dĩ nhiên Outemu vẫn tốt hơn nhiều so với các switch bản nhái không chất lượng không tên tuổi trên thị trường.
Nếu bạn muốn tìm một bộ switch phím cơ giá rẻ, có độ bền ổn, chất lượng gõ ok, Outemu sẽ không làm bạn thất vọng.
Trong số các dòng switch Outemu hiện tại, nếu được hỏi chọn gì, nhiều người sẽ ngay lập tức cho bạn câu trả lời : Clicky Outemu Blue giòn tan, cực nẩy và cảm giác sần sật dưới tay.
Switch Otemu có bao nhiêu loại?
TÊN THEO MÀU Loại switch Lực bấm Tổng hành trình Blue Clicky 60g 4mm Brown Tactile 55g 4mm Red Linear 50g 4mm Black Linear 65g 4mm
Line-up của switch Outemu đơn giản chỉ có vầy. Sau đây là miêu tả chi tiết cho từng loại switch Outemu
1/ Outemu Blue Switch
Là dòng switch nổi bật nhất cho cả nhà và cũng là dòng switch tạo nên sự khác biệt, tên tuổi của Outemu. Vừa gõ tốt, âm thanh lớn đã tai lại vừa có mức giá quá phải chăng.
Outemu Blue Switch thuộc loại clicky, lực bấm nặng ở mức 60g và khi gõ tạo ra nhiều tiếng ồn. Đây là dấu hiệu tốt để nhận biết một ký tự đã được bấm, đồng thời nhận diện các lỗi chính tả khi bấm phím nhanh.
Outemu Blue Switch đòi hỏi lực bấm đáng kể, điểm kích hoạt cũng thấp hơn so với các switch nhẹ hơn, tổng hành trình di chuyển thì ngang bằng các loại còn là trong gia đình, nên vị trí xúc giác tương đối thấp, dẫn đến bấn phím nhanh và nhạy hơn một chút so với bình thường.
Outemu Blue Switch có khả năng chống lò xo tốt nên chúng hoạt động tốt đối với những người có ngón tay quen với kiểu bấm nặng. Và đó thường là người có bàn tay lớn. Còn với người có bàn tay nhỏ hơn, thường sẽ xu hướng chạm nhẹ nhàng hơn vào bàn phím thì Outemu Blue Switch không phù hợp.
Outemu Blue Switch vì tất cả các lý do trên, sẽ là lựa chọn hoàn hảo để đánh máy, trong các dòng switch giá phải chăng. Tuy nhiên nếu muốn dùng switch này để chơi game thì cần cân nhắc kỹ, lực bấm lớn và độ nẩy khấc giữa hành trình rõ ràng của nó sẽ cản trợ bạn thực thi các thao tác bấm nhanh. Thay vào đó nếu bạn dùng chơi game các trò cần nỗ lực tập trung, đi sâu vào chi tiết và không quan trọng tốc độ, Outemu Blue Switch lần nữa cũng có thể là lựa chọn tốt.
2/ Outemu Brown Switch
Outemu Brown switch cũng là một dòng switch Outemu phổ biến với người dùng. Loại switch này có thể hoạt động ổn áp trong nhiều khía cạnh kể cả làm việc, gõ máy hay chơi game đều cân bằng tốt.
Outemu Brown switch thuộc dạng tactile với một điểm khấc rõ giữa hành trình cùng âm thanh vừa phải. Nên các phím không dễ gõ nhầm nhưng lại cần bấm chắc, nặng tay hơn vì chúng cần lực bấm tối thiểu 55g hơi nặng tay so với nhiều tactile switch của các thương hiệu khác. Nhược điểm của Outemu Brown switch là phát ra tiếng ồn hơi bị nhiều hơn, đanh hơn so với các switch cùng dòng thuộc thương hiệu khác. Cho nên cuối cùng, tuy lý thuyết là phù hợp để làm tất cả tác vụ, nhưng Outemu Brown switch hợp để dùng ở nhà hơn là tại văn phòng.
3/ Outemu Red Switch
Các bàn phím đi với Outemu Red Switch thường cho cảm giác bấm nhẹ, dễ bấm, phù hợp với các bạn yêu thích cảm giác chạm nhẹ tay, di chuyển nhanh nhưng với ngân sách hạn chế.
Outemu Red Switch là switch linear – tuyến tính, cảm giác trơn mượt khi bấm phím, phím nhận diện có vẻ dễ dàng và nhanh hơn cùng với ít âm thanh phát ra. Về tốc độ và độ chính xác, switch này có thể coi là ngang bằng với Cherry MX Red switch.
Outemu Red Switch có lực bấm 50g, ở mức trung bình so với các thương hiệu khác, không cần quá nhiều lực để bấm. Tuy nhiên vì bấm mượt nên dễ bị gõ nhầm. Bạn có thể dùng các bàn phím Outemu Red Switch ở môi trường văn phòng hay tại nhà đều được.
4/ Outemu Black Switch
Outemu Black Switch là lựa chọn tuyệt vời trong tầm giá tiết kiệm cho người dùng thích bấm nặng tay. Loại này cũng là linear, tương tự Outemu Red, cũng không có khấc và ít tiếng ồn, thích hợp cho môi trường đánh máy yên tĩnh nhưng yêu cầu lực bấm 65g, nặng tay hơn hẳn so với 3 loại switch còn lại của nhà Outemu. Cho nên Black cũng hợp với các bạn có bàn tay lớn hoặc người chuyên làm công việc đòi hỏi tập trung vào chi tiết.
Outemu Black Switch tuy là linear nhưng sẽ hạn chế gõ nhầm tốt hơn loại Red vì nó đòi hỏi nhiều lực bấm hơn, bạn sẽ khó có thể bấm nhầm cùng lúc nhiều phím.
LỜI KẾT
Tuy là thương hiệu cloned của Cherry MX, nhưng switch Outemu cũng có cho mình một số lợi thế nhất định, nhất là về mặt chi phí khi custom hoặc với người dùng muốn thử nghiệm dùng bàn phím cơ lần đầu tiên và không muốn đầu tư quá nhiều ngân sách.
Outemu dĩ nhiên không tốt bằng switch Cherry MX, nhưng nó cân bằng giữa giá cả, hiệu suất và độ bền. Nếu thích clicky switch, bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến Outemu Blue Switch, dòng switch nổi trội nhất trong nhà Outemu.