Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu nên các tác nhân gây sốt phát ban ở trẻ sơ sinh có thể xâm nhập nhanh chóng và gây triệu chứng toàn thân. Hơn nữa, khi bệnh có diễn biến nặng, trẻ có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não màng não, và các tổn thương cơ quan khác…
Sốt phát ban là gì?
Sốt phát ban là tình trạng sốt đi kèm với nổi ban ngoài da. Trong đó, sốt là một dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; phát ban là thay đổi da về màu sắc, hình dạng và cấu trúc bề mặt. Ban có thể dạng dát, sẩn, nốt, mụn nước, bóng nước, mụn mủ. Phát ban ở trẻ sơ sinh có những đặc điểm riêng khác với trẻ lớn do da sơ sinh mỏng hơn, ít lông và dễ bong tróc.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị sốt phát ban
Ở trẻ sơ sinh, sốt kèm phát ban thường xảy ra do nhiễm khuẩn, nhưng cũng có thể cảnh cáo một bệnh lý nền quan trọng. Các tác nhân lây nhiễm gây sốt phát ban ở trẻ sơ sinh có thể gặp gồm: tụ cầu trùng (chốc lây, hội chứng 4S), liên cầu trùng, thuỷ đậu, Herpes, Rubella, hoặc các loại virus khác.
Trong khi đó, phát ban lành tính rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và thường không kèm theo sốt như: ban đỏ sơ sinh, rôm sảy sơ sinh, mụn trứng cá sơ sinh, viêm da tiết bã, hăm tã, phản ứng dị ứng… Các vấn đề về dinh dưỡng như thiếu kẽm, vitamin cũng có thể gây các tổn thương ngoài da tạo ban da. Do đó, khi trẻ sơ sinh bị sốt, chúng ta cần nhận định các phát ban nếu có là mới hoặc cũ cũng như đặc tính của phát ban nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh. Dù hiếm gặp, một số bệnh lý miễn dịch và ác tính như Lupus sơ sinh, bạch cầu cấp sơ sinh cũng gây phát ban và có thể đi kèm với sốt hoặc không. (1)

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị sốt phát ban
Do hệ miễn dịch còn non yếu, các tác nhân gây sốt phát ban ở trẻ sơ sinh có thể gây diễn tiến bệnh nặng, toàn thân và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ sơ sinh đi khám bệnh càng sớm càng tốt khi trẻ sốt, dù có hoặc không kèm theo phát ban.
Trong tình huống phát ban không kèm sốt, phụ huynh cần quan sát kỹ và phân biệt rõ đây là hồng ban hay tử ban để có phương hướng điều trị phù hợp. Hồng ban là ban đỏ sẽ nhạt màu hoặc biến mất khi căng da, trong khi tử ban dạng chấm hoặc mảng sẽ không mất, vẫn giữ màu đỏ đậm khi căng da. Trẻ sơ sinh có xuất hiện nhiều tử ban cần được thăm khám càng sớm càng tốt.
Phát ban ở trẻ sơ sinh rất đa dạng. Có thể dạng dát phẳng hoặc sẩn nhô lên, có thể có mụn nước nhỏ li ti, mụn mủ, hoặc to hơn là các bóng nước, có thể rải rác hoặc tập trung thành đám. Phát ban có thể làm đỏ da ít hoặc nhiều. Ngoài diễn tiến của phát ban, phụ huynh cần để ý đến những thay đổi trong sinh hoạt của trẻ như bú, ngủ, thức tỉnh và chơi. Trẻ trông có khỏe không? Trẻ có thể có các triệu chứng hô hấp như ho, khò khè, thở mệt hoặc các triệu chứng tiêu hóa như biếng ăn, nôn ói hoặc tiêu lỏng.
Cách điều trị trẻ sơ sinh sốt phát ban
Khi trẻ sơ sinh có biểu hiện sốt phát ban, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và hướng dẫn điều trị đúng cách. Tất cả các loại thuốc sử dụng cho trẻ sơ sinh đều nên theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Việc tự ý cho trẻ sử dụng thuốc hoặc điều trị sốt phát ban cho trẻ sơ sinh bằng các phương pháp không có cơ sở khoa học có thể khiến tình trạng sức khỏe của trẻ xấu hơn, nguy cơ gặp biến chứng cao.
Khi trẻ sốt cao, phụ huynh có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt uống hoặc nhét hậu môn tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trẻ có thể được sử dụng kháng sinh đường uống hoặc thoa tại chỗ. Các loại thuốc dùng ngoài da có thể giúp trẻ bớt ngứa, tránh bội nhiễm và giúp da mau hồi phục. Một số thuốc có thể giúp trẻ dễ chịu hơn, giảm triệu chứng như thuốc nhỏ mũi, giảm ho, men vi sinh…
Đặc biệt, phụ huynh cần cho trẻ bú đủ, bú theo nhu cầu, bú nhiều cữ để giúp trẻ tránh bị mất nước. Ngoài ra, trẻ nên được mặc quần áo thoáng, có độ thấm hút tốt, thông thường là giảm một lớp áo quần hoặc dùng loại chất liệu vải mỏng hơn, dễ thoát nhiệt. Phụ huynh chú ý giữ vệ sinh môi trường, rửa tay khi chăm sóc trẻ. Trẻ vẫn có thể được tắm hoặc lau nước ấm giúp da được sạch, tránh bội nhiễm. Tuy nhiên, tránh cho trẻ tiếp xúc với nước lạnh, gió và quạt vì điều này sẽ làm trẻ khó chịu và quấy khóc nhiều hơn.
Biến chứng nguy hiểm của sốt phát ban
Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh đa số lành tính. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và theo dõi đúng cách, trẻ có thể có nguy cơ suy hô hấp, hạ đường huyết và mất nước. Các phát ban ngoài da dễ bị bội nhiễm nếu không được giữ vệ sinh và chăm sóc hợp lý. Hơn nữa, do miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu, trẻ có thể gặp các biến chứng do bệnh diễn tiến nặng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não màng não, và các tổn thương cơ quan khác.

Phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ sơ sinh
Theo chia sẻ của TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, việc theo dõi sức khỏe tiền sản và tiêm ngừa đầy đủ trước và trong khoảng thời gian mang thai sẽ giúp tránh được các bệnh lý lây nhiễm cho trẻ. Điều này cũng có tác dụng phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ sơ sinh hiệu quả.
Ngoài ra, các bệnh lý nhiễm trùng sau sinh ở trẻ sơ sinh thường lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc, ít gặp hơn là lây qua đường tiêu hóa do sữa bị nhiễm khuẩn. Do đó, cần giữ vệ sinh môi trường xung quanh trẻ, rửa tay khi chăm sóc trẻ. Phụ huynh lưu ý không nên hôn hít vùng mặt của trẻ. Người thân, người chăm sóc trẻ đang mắc các bệnh lý về đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần mang khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ, tốt nhất là nên tránh gặp trẻ trong giai đoạn này.
“Điều quan trọng trong phòng ngừa sốt phát ban cũng như các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh là trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn đến ít nhất 6 tháng tuổi. Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng và kháng thể đầy đủ, giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý phổ biến đang lưu hành tại địa phương”, bác sĩ Chương cho biết thêm.
Chăm sóc trẻ sơ sinh bị sốt phát ban
Phụ huynh lưu ý, cần cho trẻ đi khám sớm, theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm, giảm triệu chứng khó chịu cho trẻ…
Ngoài ra, những điểm phụ huynh cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sốt, bao gồm:
- Tránh bị mất nước: nếu trẻ bú mẹ, cho bú mẹ thường xuyên hơn; nếu trẻ bú bình, cho trẻ bú nhiều cữ hơn.
- Sử dụng thuốc hạ sốt: loại thuốc, liều lượng, khoảng cách dùng, thời gian dùng và đường dùng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn: mặc thoáng, vải mỏng hơn hoặc bớt 1 lớp vải thông thường. Tránh tắm nước lạnh, tránh gió và quạt vì sẽ làm trẻ khó chịu hơn. Bé có thể biếng ăn hơn khi sốt và bệnh, tránh không nên ép bé ăn.
Khi nào cần đưa trẻ đến trung tâm y tế?
Trẻ sơ sinh sốt cần được thăm khám càng sớm càng tốt, đặc biệt khi trẻ có các dấu hiệu dưới đây:
- Ngủ li bì, khó đánh thức.
- Yếu lả người.
- Khóc thét, hoặc khóc liên tục.
- Co giật.
- Bỏ bú, hoặc bú kém (Trẻ bú ít hơn ½ lượng sữa mỗi lần, hoặc ít hơn ½ số lần bú trong 24 giờ, hoặc ọc sữa hơn ½ lượng trong 3 cữ liên tiếp).
- Ọc sữa nhiều hoặc ọc dịch vàng xanh.
- Da xanh tái, da nổi bông tím hoặc da vàng.
- Thở mệt, hoặc thở khò khè nhiều, hoặc thở bất thường.
- Chướng bụng, hoặc tiêu máu.
- Tiểu ít trong 24 giờ (Số lượng tã hoặc lần đi tiểu trong ngày < ½ so với bình thường. Đây thường là dấu hiệu bé bị thiếu nước).
- Khối phồng ở bẹn.
- Mắt viêm tấy đỏ kèm đổ ghèn.
- Rốn có mủ, chảy máu.
- Xuất huyết dưới da
- Hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng về sức khỏe của bé.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, quý khách hàng có thể liên hệ trung tâm sơ sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trên, phụ huynh đã hiểu rõ hơn về tình trạng sốt phát ban ở trẻ sơ sinh, từ đó, chăm sóc trẻ an toàn và hiệu quả hơn. Trẻ sơ sinh có biểu hiện sốt, sốt phát ban, tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám kỹ lưỡng.